Đào tạo, sát hạch, cấp GPLX
TTHC - Chuyển đổi số
Thông báo luồng

 

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 2

  • Hôm nay 1091

  • Tổng 1.528.133

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA ĐƠN VỊ

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Bình

 

Sau cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, đất nước được độc lập, đến tháng 10 năm 1945, Ty Giao thông Công chính Quảng Bình được thành lập. Ngày thành lập, Ty Giao thông Công chính Quảng Bình có 33 người, trong đó có 7 cán bộ kỹ thuật cầu đường, 11 công nhân, 5 cán bộ lãnh đạo và cán bộ văn phòng. Nhiệm vụ chủ yếu của Ty là phối hợp chặt chẽ với các ngành, với quân đội và dựa vào nhân dân để nhanh chóng nối liền mạch máu giao thông trong toàn tỉnh. Công cuộc mở đường giao thông hết sức gian nan và không ít hy sinh, mất mát nhưng với quyết tâm của cán bộ, công nhân viên Ty Giao thông Công chính Quảng Bình, đến giữa năm 1948 mạng lưới giao thông phục vụ kháng chiến cơ bản hình thành.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, năm 1976 Trung ương Đảng và Chính phủ chủ trương hợp nhất 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên và khu vực Vĩnh Linh thành tỉnh Bình Trị Thiên - Tỉnh lỵ đóng tại Huế.

Chấp hành Nghị quyết của Thường vụ Tỉnh uỷ và Uỷ ban nhân dân tỉnh, 4 Ty Giao thông Vận tải Quảng Bình, khu vực Vĩnh Linh, Quảng Trị và Thừa Thiên tiến hành hợp nhất thành Ty Giao thông Vận tải Bình Trị Thiên. Xét về lâu dài Bình Trị Thiên có nhiều tiềm năng để xây dựng thành một tỉnh giàu về kinh tế, vững mạnh về chính trị và quốc phòng, một trong những trung tâm văn hoá và du lịch cả nước, nhưng trước mắt còn rất nhiều khó khăn phải khắc phục, đó là hệ thống các công trình giao thông còn thấp kém, bị chiến tranh phá hoại nghiêm trọng; hệ thống phương tiện vận tải còn lạc hậu, vì vậy giao thông vận tải chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước.

 Khi sáp nhập vào Ty Giao thông Vận tải Bình Trị Thiên (năm 1976), đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật Ty Giao thông Vận tải Quảng Bình đã trở thành lực lượng nòng cốt của Sở Giao thông Vận tải Bình Trị Thiên. Đa số cán bộ khoa học kỹ thuật đều làm cán bộ cấp phòng trở lên; cán bộ Xí nghiệp khảo sát thiết kế có 2/3 là cán bộ khoa học kỹ thuật ở Quảng Bình vào, Ty Giao thông Vận tải Quảng Bình đưa toàn bộ thiết bị, máy móc đồng bộ vào để xây dựng các loại cầu trung bình trở lên (tương đối hiện lúc đó).

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng tháng 12 năm 1976 đề ra nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của kế hoạch 5 năm 1976 - 1980. Thấm nhuần tinh thần Đại hội Đảng, Ngành Giao thông Vận tải Bình Trị Thiên chủ trương quy hoạch và xây dựng mạng lưới đường bộ địa phương, đồng thời tiếp nhận một số tuyến do Trung ương quản lý phân cấp về địa phương. Xây dựng mạng lưới đường liên thôn, liên xã và đường đồng ruộng nhằm phục vụ thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển.

Tháng 7/1989, thực hiện Quyết định số 87/1989 của Bộ Chính trị và Nghị quyết của kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá 8 chia tỉnh Bình Trị Thiên thành 3 tỉnh: Quảng Bình, Quảng trị, Thừa Thiên Huế.

Quảng Bình trở lại địa giới cũ của mình, các cơ quan cũng được tách theo. Sở Giao thông Vận tải Quảng Bình được tái lập lại theo quyết định của UBND tỉnh Quảng Bình, thực hiện nhiệm vụ tham mưu cho UBND tỉnh về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực Giao thông Vận tải trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Trước những khó khăn thử thách do điều kiện của một tỉnh nghèo, thiên tai khắc nghiệt, hậu quả chiến tranh để lại nặng nề, cơ sở hạ tầng yếu kém. Nhưng cán bộ, công chức, viên chức Ngành Giao thông Vận tải đồng sức, đồng lòng, vận dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn để xây dựng được một mạng lưới giao thông rộng khắp trong toàn tỉnh, đảm bảo chất lượng và hiện đại, phục vụ đắc lực trong sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá tỉnh nhà.