Đào tạo, sát hạch, cấp GPLX
Cải cách hành chính
Thông báo luồng

 

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 2

  • Hôm nay 46677

  • Tổng 1.637.636

Hạ tầng giao thông "đi trước, mở đường"

Xem với cỡ chữ : A- A A+

(QBĐT) - Trong những năm qua, bằng nhiều nguồn lực, hạ tầng giao thông (HTGT) của tỉnh Quảng Bình đã có bước phát triển vượt bậc theo hướng đồng bộ, hiện đại. Ðể phát triển trong giai đoạn mới, Quảng Bình tiếp tục xác định HTGT luôn “đi trước, mở đường”, là khâu đột phá chiến lược để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh của tỉnh.

Những công trình đổi mới quê hương
 

Quảng Bình là một trong số ít địa phương có đủ các loại hình giao thông: đường sắt, biển, hàng không và đường bộ đến tất cả các vùng, miền trong cả nước và quốc tế. Nhận thức được điều này, đồng thời, xác định rõ HTGT là mạch nối quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế, là lợi thế cạnh tranh để thu hút đầu tư, trong những năm qua, bằng nhiều nguồn lực của Trung ương và địa phương, Quảng Bình đã từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông theo hướng đồng bộ, ngày càng hiện đại.

 
Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT), đến nay, trên địa bàn tỉnh có 903km quốc lộ, 370km tỉnh lộ, 529km đường đô thị, 767km đường huyện và trên 9.540km đường liên thôn, liên xã. Về đường sắt có 160km đi dọc chiều dài của tỉnh với 17 ga; 230km đường thủy nội địa. Quảng Bình có cảng Gianh, cảng Hòn La và sân bay Đồng Hới. Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn đã có đường ô tô về đến trung tâm...
 
Hơn 10 năm về trước, để lên với đồng bào các dân tộc thiểu số vùng biên giới, phải mất cả ngày đi trên những con đường rừng gian khổ, thì nay mọi chuyện đều đã khác. Những tuyến đường như quốc lộ 12A, 20 Quyết Thắng và mới đây là quốc lộ 9B, 9E…được đầu tư nâng cấp đã kéo gần khoảng cách địa lý giữa miền xuôi với các bản làng biên giới, góp phần vào công cuộc đổi mới, đưa cuộc sống của bà con đi lên.
 
Bản Chút Mút, xã Lâm Thủy (huyện Lệ Thủy) nằm tận cuối con đường 16, là một trong những bản làng xa ngái nhất tỉnh. Trước đây, để lên được bản Chút Mút quả là một hành trình hết sức gian nan.Bí thư chi bộ kiêm trưởng bản Hồ Văn Bình kể, khi tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây được mở, dù chỉ đi được một đoạn ngắn để đến trung tâm xã nhưng dân bản Chút Mút hồ hởi lắm. Đến ngày quốc lộ 9B được nâng cấp, bà con mừng đến không ngủ. Bởi lẽ từ nay, để về miền xuôi, bà con Vân Kiều ở Chút Mút có thể chạy xe máy bon bon trên quốc lộ 9B được rải nhựa phẳng lì.
 
Quốc lộ 9B vốn là tuyến tỉnh lộ 16 cũ. Từ năm 2015, với sự hỗ trợ của Bộ GTVT, tuyến tỉnh lộ 16 được nâng cấp lên thành quốc lộ 9B để nối Quảng Bình với Savannakhet (Lào) thông qua cửa khẩu Chút Mút-Lã Vơn.
 
Năm 2005, cầu Nhật Lệ 1 được khánh thành nối trung tâm TP. Đồng Hới với xã biển Bảo Ninh bao đời biệt lập bên kia bờ Nhật Lệ. Gần hai thập kỷ hiện hữu, cầu Nhật Lệ 1 không chỉ làm tròn trọng trách nối đôi bờ như bao chiếc cầu khác, nó còn làm được điều lớn lao hơn, "đánh thức" một vùng đất đầy tiềm năng mà lâu nay đang "gối đầu lên sóng biển với giấc ngủ bình yên".
 
Năm 2017, cầu Nhật Lệ 2 cũng được khánh thành. Nếu như cầu Nhật Lệ 1 có trọng trách “đánh thức” một vùng đất tiềm năng đang “say giấc” thì cầu Nhật Lệ 2 có nhiệm vụ là “động lực” để phát triển Bảo Ninh thành 1 đô thị đa chức năng, trong đó đặc biệt là du lịch, giải trí và nghỉ dưỡng. Đúng như kỳ vọng, kể từ khi cầu Nhật Lệ 1 và Nhật Lệ 2 nối liền đôi bờ sông Nhật Lệ, vùng đất Bảo Ninh đang dần trở thành hạt nhân, động lực trong phát triển du lịch không chỉ riêng TP. Đồng Hới mà của cả tỉnh Quảng Bình…
 
Khởi động 2 dự án động lực
 
Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025 xác định tiếp tục tập trung phát triển hệ thống HTGT bảo đảm đồng bộ theo hướng hiện đại. TỉnhQuảng Bình chọn chiến lược HTGT “đi trước, mở đường” để đẩy nhanh phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh.
 
Theo chương trình, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Bình năm 2021, tỉnh sẽ bấm nút khởi động 2 dự án động lực, gồm: dự án đường ven biển-cầu Nhật Lệ 3 và dự án mở rộng sân đỗ máy bay Sân bay Đồng Hới. Trong đó, dự án đường ven biển-cầu Nhật Lệ 3 được đưa vào danh mục dự án trọng điểm phải ưu tiên đầu tư trong nhiệm kỳ 2020-2025.
 
Dự án đường ven biển-cầu Nhật Lệ 3 là dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Dự án được đầu tư sẽ kết nối thông suốt vùng ven biển, phục vụ phát triển du lịch, dịch vụ, công nghiệp, năng lượng tái tạo ven biển, kết hợp với bảo đảm quốc phòng-an ninh và phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn, phòng chống thiên tai. Tuyến đường sẽ kết nối vùng ven biển của tỉnh Quảng Bình với vùng kinh tế tổng hợp nam Hà Tĩnh-bắc Quảng Bình, nhằm phát huy lợi thế của cụm cảng nước sâu Hòn La, Vũng Áng…
 
Cầu Nhật Lệ 3 và hệ thống đường 2 bên cầu sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống đường ngang liên kết giữa đường ven biển với Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh, góp phần kết nối liên hoàn giữa các vùng, miền của tỉnh; tạo điều kiện phát triển giao thương hàng hóa, du lịch với các tỉnh trong khu vực và cả nước; khơi dậy tiềm năng đất đai, du lịch nghỉ dưỡng, giải trí ở khu vực phía nam bán đảo Bảo Ninh (TP.Đồng Hới) và các xã Võ Ninh, Hải Ninh (huyện Quảng Ninh).
 
Ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông (Sở GTVT) cho biết, dự án được chia thành 2 dự án thành phần là đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3. Dự án đường ven biển được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng; phạm vi đầu tư gồm 3 đoạn với chiều dài là 85km, gồm: đoạn Nam Roòn-Quảng Phúc (dài 22,5km); đoạn Nam cầu Lý Hòa-Quang Phú (dài 14,5km) và đoạn Hà Trung-Mạch Nước (dài 48km). Toàn tuyến có 23 cầu (1 cầu lớn, 12 cầu trung và 10 cầu nhỏ).Tổng mức đầu tư dự án khoảng 2.200 tỷ đồng.
 
Dự án cầu Nhật Lệ 3 gồm cầu và đường hai đầu cầu có tổng chiều dài khoảng 3,75km. Trong đó, đường cầu phía tây nối với Quốc lộ 1 tại địa phận xã Lương Ninh (Quảng Ninh); phía đông nối với đường ven biển tại địa phận xã Bảo Ninh (TP.Đồng Hới). Hiện, Sở GTVT đang tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc để tiến hành các bước thiết kế cầu. Dự kiến tổng mức đầu tư dự án cầu Nhật Lệ 3 khoảng 1.300 tỷ đồng.
 
Trong những năm qua, sự phát triển của tỉnh Quảng Bình, đặc biệt là du lịch có sự đóng góp không nhỏ của Cảng hàng không (CHK) Đồng Hới. CHK được đưa vào khai thác năm 2008 với quy mô sân bay cấp 4C, đang khai thác 3 tuyến bay nội địa đi Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cát Bi và ngược lại; 1 đường bay quốc tế Đồng Hới-Chiềng Mai (Thái Lan).
 
Theo Quy hoạch phát triển GTVT hàng không, công suất thiết kế hành khách dự kiến của CHK Đồng Hới đến năm 2020 là 2 triệu hành khách/năm và đến năm 2030 là 3 triệu hành khách/năm. Mới đây, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã có cuộc làm việc với Bộ GTVT. Tại cuộc làm việc, tỉnh Quảng Bình mong muốn Bộ GTVT chỉ đạo Tổng công ty CHK VN (ACV) đẩy nhanh triển khai dự án đầu tư mở rộng, nâng cấp CHK Đồng Hới, tạo điều kiện cho tỉnh phát triển du lịch.
 
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, thế mạnh lớn nhất của Quảng Bình hiện nay là du lịch và Sân bay Đồng Hới sẽ là điểm nhấn trong tiến trình phát triển. Nếu sân bay có nhà ga tốt, nhiều tuyến từ Quảng Bình qua Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan hoặc một số nước châu Âu sẽ được mở ra, thúc đẩy kinh tế-xã hội tỉnh Quảng Bình phát triển.
 
Vì vậy, với Sân bay Đồng Hới, thay vì chỉ lập quy hoạch công suất từ 3-5 triệu hành khách/năm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu ACV phối hợp với tỉnh Quảng Bình lập một quy hoạch tổng thể khoảng 20-25 triệu hành khách, sau đó phân kỳ giai đoạn đầu tư để tạo sự đồng bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai. Trong dịp Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2021 của tỉnh Quảng Bình, ACV sẽ bấm nút khởi động dự án mở rộng sân đỗ máy bay Sân bay Đồng Hới…
 
Phan Phương

Các tin khác